Thanh Nưa là một xã Biên giới với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường đã đưa văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương vào giảng dạy và trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Tại Trường Mầm non xã Thanh Nưa, giờ học ngoại khóa của trẻ diễn ra trong không khí rộn ràng. Dưới sự hướng dẫn của cô giáo, trẻ cùng nhau tìm hiểu về bản sắc văn hóa của dân tộc Thái tại không gian "Bé trải nghiệm văn hoá dân tộc" được bố trí trong khuôn viên trường như: Chõ xôi cơm, cối giã gạo, chày giã gạo, cái nơm, giỏ, vải thổ cẩm, trang phục dân tộc Thái... Mỗi vật dụng đều được cô giáo giới thiệu cặn kẽ để giúp trẻ nhận biết. Ngoài ra tại lớp học, giáo viên bố trí góc vui chơi với tên gọi quen thuộc “Sắc màu quê hương”, “Góc địa phương” được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, trưng bày các đồ dùng, dụng cụ của dân tộc Thái để giáo dục trẻ.
Cô giáo Lò Thị Mai Xinh cùng các bé Trường Mầm non xã Thanh Nưa tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Thái tại không gian " Bé trải nghiệm văn hoá dân tộc" ở sân trường.
Trường Mầm non xã Thanh Nưa hiện có 243 trẻ; trong đó, các cháu là người dân tộc Thái là 222 trẻ, chiếm tỷ lệ 91,3%. Vì vậy, nhà trường luôn cố gắng xây dựng môi trường học tập thân thiện, gần gũi đối với trẻ. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong nhà trường luôn được chú trọng với việc tạo góc trưng bày không gian văn hóa Thái; trưng bày các đồ dùng của người dân tộc Thái như: Khung cửi dệt vải, vải thổ cẩm, trang phục dân tộc Thái, ếp,... Trong năm học, định kỳ 2 lần nhà trường tổ chức mời nghệ nhân về trường để giới thiệu và hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên và trẻ về văn hoá dân tộc Thái. Đồng thời tích hợp các nội dung văn hóa Thái vào trong hoạt động Ngày hội đến trường của bé, lễ hội mùa Xuân, tổng kết năm học...
Cùng với đó, việc giáo dục cho học sinh về những giá trị văn hóa dân tộc, tình yêu, lòng tự hào, tự tôn với bản sắc văn hóa truyền thống cũng được các nhà trường quan tâm. Nội dung các hoạt động giáo dục giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc được tổ chức thiết thực, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của từng nhà trường, địa phương.
Bằng việc đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vào trong các tiết học, các hoạt động của nhà trường, qua đó đã giúp trẻ bước đầu tạo được nhận thức, tự hào về bản sắc, truyền thống của dân tộc ở địa phương.
Một số hình ảnh trẻ trải nghiệm văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương